Quy trình giải ngân của ngân hàng khi vay vốn cần biết
Quy trình giải ngân của ngân hàng khi vay vốn cần biết
Giải ngân là một thuật ngữ quen thuộc khi vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ và đầy đủ về định nghĩa này. Nếu nắm rõ quy trình và thủ tục giải ngân thì hồ sơ vay vốn của bạn sẽ được ngân hàng tiến hành nhanh chóng. Vì vậy, trong bài viết sau, MSB sẽ cung cấp đầy đủ thông tin giải ngân là gì, các quy trình giải ngân của ngân hàng và những điều cần lưu ý giúp bạn tiết kiệm thời gian khi giải ngân.
1. Giải ngân là gì?
Giải ngân là một thuật ngữ quen thuộc được sử dụng rất nhiều và thường xuyên trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là ngân hàng. Có thể hiểu đơn giản đây là việc tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính,... giao cho khách hàng một khoản tiền để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.
Giải ngân mở ra nhiều cơ hội đầu tư sinh lời
Người vay chỉ nhận được tiền sau khi hoàn thiện hồ sơ, hợp đồng, thực hiện đầy đủ các thủ tục vay, đồng thời được ngân hàng, tổ chức tín dụng chấp thuận.
2. Quy trình, thủ tục giải ngân vốn vay ngân hàng
Dưới đây là 5 bước trong quy trình giải ngân mà bạn cần nắm rõ:
2.1 Thu thập và xác thực thông tin khách hàng
Khách hàng bắt buộc phải kê khai thông tin vay vốn tại ngân hàng. Các thông tin kê khai gồm: Thông tin cá nhân, mục đích vay vốn (vay tiêu dùng, vay vốn kinh doanh…), khả năng hoàn trả vốn, tài sản đảm bảo là gì,… Chuyên viên ngân hàng có nhiệm vụ tiếp nhận và xác thực tính chính xác của những thông tin được cung cấp từ khách hàng.
2.2 Chuẩn bị hồ sơ thủ tục
Thủ tục giải ngân tưởng phức tạp nhưng khi hiểu rõ quy trình, bạn sẽ thấy mọi thứ đơn giản hơn
Mỗi ngân hàng sẽ yêu cầu chuẩn bị bộ hồ sơ vay khác nhau. Hồ sơ này cũng quyết định việc ngân hàng có chấp nhận cho bạn vay vốn hay không. Vì vậy, các bước chuẩn bị hồ sơ cần được làm cẩn thận và chính xác. Các loại hồ sơ cơ bản cần có khi vay gồm:
- Hồ sơ pháp lý: CCCD/ CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn/ độc thân
- Hồ sơ tài chính: Chứng minh thu nhập ổn định như: Hợp đồng lao động, Phiếu lương, sao kê tài khoản ngân hàng, giấy xác nhận thu nhập, giấy phép kinh doanh, hóa đơn bán hàng, sổ sách kế toán, giấy xác nhận nộp thuế.
- Hồ sơ mục đích sử dụng vốn: Mục đích vay của bạn: tiêu dùng, mua bất động sản, vay xây dựng nhà cửa,...
- Hồ sơ tài sản đảm bảo: Sổ đỏ/Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà đất, giấy đăng ký xe, sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán
Xem thêm: Vay ngân hàng thế chấp và những điều cần biết.
2.3 Thẩm định khách hàng
Sau bước 1 và 2, chuyên viên tín dụng sẽ tiến hành thẩm định khách hàng. Thẩm định là quá trình chuyên viên tín dụng xem xét lại tính chính xác của bộ hồ sơ khách hàng cung cấp, đối chiếu, xác minh thông tin. Từ đó xác định khách hàng có phù hợp với điều kiện cho vay của ngân hàng hay không. Chuyên viên tín dụng có thể hỏi thêm các câu hỏi cho chính khách hàng hoặc những người liên quan và yêu cầu khách hàng bổ sung hồ sơ nếu thiếu.
2.4 Phê duyệt khoản vay
Sau khi chuyên viên ngân hàng thẩm định xong sẽ lập các báo cáo đề xuất tín dụng và trình lên cấp trên để xin phê duyệt. Trong một số trường hợp đặc biệt (thường là những khoản vay số tiền lớn) sẽ có bộ phận thẩm định độc lập khác thẩm định lại hồ sơ của khách để bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Dựa vào hồ sơ và thông tin khách hàng, cấp có thẩm quyền tiến hành phê duyệt đồng ý hay từ chối cho vay vốn.
Xem thêm: Vay ngân hàng cần những gì? Quy trình, thủ tục, điều kiện vay ngân hàng.
2.5 Giải ngân vay vốn ngân hàng
Giải ngân là bước cuối cùng của quá trình vay vốn. Sau khi nhận được quyết định cho vay, ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân số tiền bạn muốn vay theo đúng hợp đồng đã thỏa thuận. Việc giải ngân có thể diễn ra một lần hoặc nhiều lần tùy vào trường hợp vay vốn.
Mục tiêu đã gần hơn khi có thêm nguồn vốn từ ngân hàng
Xem thêm: Các ngân hàng cho vay tiêu dùng đảm bảo uy tín hiện nay
3. Những lưu ý quan trọng khi giải ngân mà khách hàng nên biết
- Khách hàng nên cung cấp thông tin chi tiết và trung thực nhất có thể để rút ngắn thời gian thẩm định của ngân hàng.
- Trong quá trình thẩm định, nếu khách hàng cung cấp thông tin đầy đủ thì bước thẩm định sẽ được tiến hành nhanh hơn.
- Cố gắng sắp xếp thời gian khi ngân hàng có yêu cầu làm thủ tục để được giải ngân nhanh và tránh để lỡ công việc.
- Cần đọc kỹ thông báo cho vay, điều kiện cho vay, các thông tin chi tiết về thời hạn, biên độ, lãi suất, … và cần đọc kỹ hợp đồng cho vay trước khi đặt bút ký.
- Nên tìm hiểu về vay vốn ngân hàng 1-2 tháng trước thời điểm cần sử dụng vốn để tránh lỡ kế hoạch sau này.
Trên đây là những thông tin về thủ tục giải ngân vay vốn ngân hàng cũng như những điều khách hàng cần lưu ý khi đi vay tiền ở bất kỳ ngân hàng nào. Tuy nhiên mỗi ngân hàng lại có những yêu cầu cụ thể và thời gian giải ngân nhanh chậm khác nhau, bạn hãy liên hệ chuyên viên tín dụng của ngân hàng đó để được tư vấn cụ thể nhất!
4. Những hình thức giải ngân của ngân hàng hiện nay
Hiện nay, có nhiều hình thức giải ngân khác nhau, mỗi hình thức đều có những ưu điểm và phù hợp với từng nhu cầu cụ thể của khách hàng.
4.1. Theo phương thức giải ngân:
- Giải ngân bằng tiền mặt: Hình thức đơn giản và trực tiếp nhất, người vay nhận tiền mặt từ ngân hàng. Tuy nhiên, phương thức này chỉ áp dụng khi cả người vay và người bán không có tài khoản thanh toán.
- Giải ngân không dùng tiền mặt: Phương thức phổ biến nhất hiện nay, sử dụng các hình thức thanh toán như hối phiếu, séc, chuyển khoản... đặc biệt là chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng của khách hàng. Điều này mang lại sự tiện lợi, an toàn và dễ dàng quản lý.
Giải ngân tiền mặt - Nhanh chóng và tiện lợi.
4.2. Theo số lần giải ngân:
- Giải ngân một lần: Ngân hàng cấp toàn bộ số tiền vay trong một lần duy nhất. Hình thức này thường áp dụng cho các nhu cầu tài chính gấp như mua nhà, mua xe... giúp khách hàng nhanh chóng có được nguồn vốn cần thiết.
- Giải ngân theo chu kỳ: Ngân hàng cấp tiền tín dụng tại nhiều thời điểm khác nhau. Phương thức này phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh hoặc thanh toán theo tiến độ dự án, giúp khách hàng linh hoạt trong việc sử dụng vốn.
4.3. Theo tài sản đảm bảo:
- Giải ngân phong tỏa: Áp dụng khi giao dịch liên quan đến tài sản như bất động sản, phương tiện vận tải... chưa hoàn thành hoặc chưa hoàn tất thủ tục đăng ký sang tên. Ngân hàng sẽ giải ngân vào tài khoản của đơn vị khác (thường là ngân hàng của người bán) và chỉ chuyển tiền vào tài khoản người bán sau khi giao dịch hoàn tất.
- Giải ngân không phong tỏa: Người bán nhận tiền giải ngân trực tiếp vào tài khoản và có thể sử dụng ngay. Điều này đòi hỏi tài sản phải được chuyển giao cho người vay và hoàn tất thủ tục thế chấp nhanh chóng. Ngân hàng cũng cần đảm bảo quy trình kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro.
5. Những câu hỏi thường gặp về giải ngân
Ngoài những thông tin quan trọng trên, MSB sẽ giải đáp thêm cho quý khách hàng các thắc mắc thường gặp trong quy trình giải ngân vốn vay tại ngân hàng.
5.1 Có những hình thức giải ngân nào?
Tùy theo mục đích vay vốn của từng khách hàng mà hình thức giải ngân cũng sẽ đa dạng khác nhau. Theo đó, một số hình thức giải ngân phổ biến hiện nay như sau:
- Giải ngân bằng tiền mặt: khách hàng đến trực tiếp ngân hàng và nhận tiền mặt;
- Giải ngân chuyển khoản qua tài khoản: ngân hàng sẽ chuyển số tiền giải ngân qua tài khoản ngân hàng của người thụ hưởng khoản vay (là Khách hàng hoặc Bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ, bên bán Bất động sản, Phương tiện vận tải);
Các hình thức giải ngân đang liệt kê chưa đồng nhất về tiêu chí phân loại. Có thể phân loại thành 2 cách như sau:
Cách 1
Hình thức giải ngân:
- Giải ngân 1 lần
- Giải ngân nhiều lần
Phương thức rút vốn vay:
- Tiền mặt
- Chuyển khoản vào tài khoản của bên thụ hưởng khoản vay
Cách 2
Phương thức cho vay:
- Cho vay từng lần: Khách hàng có thể nhận nợ 1 lần hoặc nhiều lần tùy thuộc vào tiến độ cần thanh toán, phù hợp với các mục đích vay mua bất động sản, mua ô tô, tiêu dùng,.....
- Cho vay theo hạn mức: phù hợp với mục đích bổ sung vốn kinh doanh ngắn hạn thường xuyên liên tục. Với phương thức này, ngân hàng sẽ cấp cho KH 1 hạn mức tín dụng duy trì trong 1 khoảng thời gian nhất định, Khách hàng có thể nhận nợ từng lần với số tiền tùy theo nhu cầu, trong hạn mức và thời gia cho phép.
Phương thức rút vốn vay:
- Tiền mặt
- Chuyển khoản vào tài khoản của bên thụ hưởng khoản vay
Đó là một số hình thức giải ngân cơ bản.
Giải ngân phong tỏa là gì?
Ngoài ra, trong quá trình giải ngân khi Khách hàng vay mua bất động sản, phương tiên vận tải, Khách hàng có thể tiếp xúc với thuật ngữ giải ngân phong tỏa, cùng tìm hiểu thêm về thuật ngữ này.
Giải ngân phong tỏa là hình thức ngân hàng giải ngân vào tài khoản của Bên thụ hưởng khoản vay (là Khách hàng hoặc Bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ, bên bán Bất động sản, Phương tiện vận tải) và tạm thời phong tỏa số tiền giải ngân, bên thụ hưởng sẽ không sử dụng được số tiền này. Do tại thời điểm giải ngân, khách hàng chưa hoàn thành việc mua bán hàng hóa, tài sản hoặc hoàn tất đăng ký sang tên tài sản tại cơ quan có thẩm quyền.
Giải pháp này đem lại sự an toàn cho an toàn cho Khách hàng, bởi sau khi giao dịch mua bán BĐS diễn ra thành công (tức đã có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền) ngân hàng mới giải tỏa tiền trên TKTT của bên thụ hưởng, để tránh các rủi ro phát sinh khi khả năng sang tên không thành công.
5.2 Làm sao để hồ sơ vay vốn được giải ngân nhanh?
Để hồ sơ và thủ tục giải ngân được chấp nhận nhanh chóng, bên vay cần cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu từ ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Tất cả hồ sơ, giấy tờ phải rõ ràng, đầy đủ thông tin. Nếu giấy tờ cung cấp là bản photo thì phải có công chứng, thời gian công chứng còn hiệu lực từ 03 - 06 tháng tùy theo yêu cầu từ phía ngân hàng.
Ngoài ra, sau khi giải ngân, khách hàng cũng cần chú ý trả nợ đầy đủ, đúng hạn để có điểm tín dụng cao, giúp cho những lần vay tiếp theo được thực hiện dễ dàng hơn.
Ngoài ra, đối với các khoản vay thế chấp, cần đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích bảo trong suốt thời gian trả nợ, không sử dụng nguồn vốn giải ngân vào các mục đích trái pháp luật để những lần vay tiếp theo sẽ được giải ngân nhanh chóng.
Bài viết trên đây của MSB đã cung cấp các kiến thức để bạn biết giải ngân là gì? Hy vọng qua đó, bạn sẽ biết thêm các kiến thức cần thiết và dễ dàng hơn khi tìm kiếm các gói vay vốn phù hợp.
___
Nhanh tay bấm Quan tâm kênh MSB trên Zalo để nhận những thông tin mới nhất và trở thành người đầu tiên nhận được chương trình ưu đãi từ chúng tôi
👉 https://www.msb.com.vn/zalo.msb.vn