Giải ngân là một cụm từ được mọi người sử dụng rất phổ biến trong ngành tài chính - ngân hàng, đặc biệt là trong các tờ rơi hoặc các quảng cáo dịch vụ hỗ trợ tài chính với cụm từ giải ngân nhanh. Vậy giải ngân là gì, quy trình giải ngân ra sao và thời gian giải ngân là bao lâu? Hãy cùng MSB tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Giải ngân là gì? Quy trình giải ngân khi vay vốn ngân hàng như thế nào?
Tuy được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn còn rất nhiều người thắc mắc giải ngân là gì và tại sao nó lại được sử dụng nhiều như vậy. Bên cạnh đó quy trình, hồ sơ và những điều cần lưu ý khi giải ngân là gì? Tất cả sẽ được giải đáp ngay sau đây.
1.1. Giải ngân là gì?
Giải ngân là một thuật ngữ quen thuộc được sử dụng rất nhiều và thường xuyên trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là ngân hàng. Có thể hiểu đơn giản đây là việc tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính,... giao cho khách hàng một khoản tiền để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.
Người vay chỉ nhận được tiền sau khi hoàn thiện hồ sơ, hợp đồng, thực hiện đầy đủ các thủ tục vay, đồng thời được ngân hàng, tổ chức tín dụng chấp thuận.
1.2. Quy trình giải ngân khi vay vốn ngân hàng như thế nào?
Mỗi ngân hàng sẽ có những quy trình và cách thức giải ngân khác nhau, nhưng nhìn chung thì quy trình giải ngân của ngân hàng sẽ có những bước như sau:
Bước 1: Thu thập và xác thực thông tin của khách hàng
Thu thập và xác thực thông tin của khách hàng là bước đầu tiên trong quy trình giải ngân. Ở bước này, khách hàng sẽ đăng ký và kê khai các thông tin vay vốn tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.
Thông tin mà khách hàng phải kê khai là các thông tin cá nhân cơ bản, mục đích vay vốn và khả năng hoàn trả. Nhân viên tiếp nhận thông tin sẽ dùng nghiệp vụ chuyên môn để xác thực thông tin mà khách hàng cung cấp.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
Mỗi ngân hàng sẽ có những yêu cầu khác nhau về hồ sơ vay vốn. Khách hàng có thể tham khảo và lựa chọn cho mình ngân hàng phù hợp sau đó chuẩn bị những hồ sơ theo yêu cầu của ngân hàng.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ
Sau khi khách hàng đã nộp đủ hồ sơ, nhân viên ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ. Thẩm định hồ sơ là quá trình xét, đối chiếu và xác minh thông tin mà khách hàng cung cấp,
từ đó sẽ xác định khách hàng có phù hợp và đủ điều kiện cho vay của ngân hàng không.
Trong giai đoạn này, nhân viên ngân hàng có thể yêu cầu khách hàng và những người liên quan cung cấp thêm thông tin hoặc yêu cầu khách hàng bổ sung thêm hồ sơ nếu còn thiếu.
Bước 4: Phê duyệt khoản vay
Sau bước thẩm định hồ sơ, nhân viên ngân hàng tiến hành lập báo cáo đề xuất tín dụng và trình lên cấp trên để xin phê duyệt.
Dựa vào hồ sơ và thông tin khách hàng cung cấp, người có thẩm quyền phê duyệt khoản vay quyết định đồng ý hoặc từ chối cho vay vốn.
Trường hợp số tiền khách hàng cần vay quá lớn thì ngân hàng sẽ thành lập ra một tổ thẩm định độc lập khác để thẩm định lại toàn bộ số hồ sơ, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và khách quan.
Bước 5: Giải ngân khoản vay
Sau khi thực hiện lần lượt các bước trên, ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân cho Khách hàng hoặc bên thụ hưởng thông qua hình thức chuyển khoản hoặc nhận tiền mặt.
2. Hồ sơ giải ngân vay vốn khách hàng cần chuẩn bị
Để hoàn tất thủ tục vay vốn ngân hàng, khách hàng cần chuẩn bị những hồ sơ như sau:
Hồ sơ pháp lý: CCCD/ CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn/ độc thân
Hồ sơ tài chính: Chứng minh thu nhập ổn định
Hồ sơ mục đích vay: Mục đích vay của bạn: tiêu dùng, mua bất động sản, vay xây dựng nhà cửa,...
Giấy tờ hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản (trong trường hợp vay vốn có đảm bảo bằng tài sản)
3. Những điều khách hàng cần lưu ý khi giải ngân
Trong quá trình thẩm định, để đẩy nhanh tiến độ, khách hàng nên cung cấp đầy đủ thông tin, có thể chủ động bố trí thời gian gặp mặt trực tiếp và bổ sung hồ sơ một cách kịp thời.
Cố gắng sắp xếp thời gian khi Ngân hàng có yêu cầu làm thủ tục để được giải ngân nhanh và tránh để lỡ công việc.
Khách hàng đọc kỹ thông báo, điều kiện cho vay, các chi tiết về thời hạn, biên độ, lãi suất,... và đặc biệt là đọc kỹ hợp đồng cho vay trước khi đặt bút ký.
Nên tìm hiểu 1 đến 2 ngân hàng trước khi quyết định lựa chọn ngân hàng sẽ vay để phù hợp nhất với nhu cầu, khả năng tài chính và ưu đãi của của ngân hàng.
Hy vọng với những thông tin trên, MSB đã giúp bạn hiểu rõ về giải ngân, quy trình giải ngân cũng như hồ sơ vay vốn , giúp bạn dễ dàng hơn trong việc vay vốn ngân hàng.